Blogger Widgets

Monday, December 3, 2012

ĐƯỜNG XA NGOẢNH LẠI...

Quanlambao

* Bùi Văn Bồng

Có một tin nhắn vào hộp thư điện tử của tôi, tin nhắn của anh H. (T.p Hồ Chí Minh), như sau: “Anh, trưa nay ăn cơm với mấy anh em thân, một người bạn có dẫn theo một người khác, giới thiệu bên tai tôi vừa đủ nghe, rằng: Đây là thằng Tân, đảng viên nhưng là một người đàng hoàng lắm. Anh nghĩ sao về câu nói này?...”.

Tôi trả lời anh H, cũng qua hộp thư:
- Thân gửi anh H! Có người nói với tôi, mình cũng đứng trong hàng ngũ Đảng, tham gia xây dựng Đảng gần suốt đời rồi, dân ta cũng chăm đắp và tin tưởng xây dựng Đảng. Nay Đảng ta đã có đội ngũ đông đảo, hơn 3,6 triệu đảng viên. Vậy là tính ra Đảng ta đã đông gấp 5.000 lần so với Đại hội lần thứ Nhất năm 1935. Thế kia đấy, đông đảo thật, nhưng liệu có mạnh? Có sức chiến đấu, có vững được không? Đã có câu dị nghị trong dân chúng: “Đảng viên nhan nhản, cộng sản được mấy người?”.Tôi nhớ không nhầm thì hồi đầu năm, đi thăm và nói chuyện với Đảng bộ, nhân dân một tỉnh Nam Trung bộ, TBT Nguyễn Phú Trọng cũng nhắc lại câu nói này. Trạng huống hiện thời gọi là xây dựng Đảng cũng đúng mà gọi là dựng lại Đảng cũng được, vì cái gì thấy đứng chưa vững, có sự biểu hiện xiêu vẹo, sắp đổ sụp thì cần phải sớm lo mà dựng lại. Gọi là ‘chỉnh Đảng’ hay cuộc ‘chỉnh đốn’ cũng vậy. Có người chẻ chữ, ‘chỉnh’ cũng khó mà ‘đốn’ - chặt bỏ đi, còn khó hơn nhiều…
Vậy nên, anh H. ạ, câu nói của người bạn anh cứ làm tôi trăn trở. Theo tôi, nhìn vào thực chất, thấy đảng viên đàng hoàng thì cũng không phải ít (nhưng chỉ là trong số đảng viên thường, không quyèn hành chức tước, gắn với dân và cơ sở thì sự đàng hoàng còn rất nhiều). Chỉ có “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên, rõ nhất là hàng ngũ cán bộ chủ chốt có chức, có quyền, có điều kiện tiếp xúc, liên quan và có quyền ký cót phê duyệt, chia chác, quản lý bất động sản, quản lý đầu tư, quy hoạch, dự án, tài chính, kinh doanh gian dối lật lọng này kia, có nhu cầu móc nối của các đại gia, các nhà đầu tư thì mới có điều kiện phát sinh hiện tượng tham nhũng, đặc quyền đặc lợi, rồi do cuỗm được lắm tiền, sinh ra hư đốn, học đòi ăn chơi, xa hoa, trụy lạc, thậm chí trác táng, mất hết phẩm chất, tư cách người cộng sản.
Những cán bộ, đảng viên như thế ngày càng xa dân, vốn bản chất từ giai cấp vô sản, nay nứt nòi sang một ‘tầng lớp, giai cấp khác’. Chỉ sau một vài chữ ký, họ bỗng phất lên giàu rất nhanh, giàu sụ và sinh hoạt đời sống khác nào tư sản giữa đất nước đang nghèo như nước ta. Người ta gọi là “tư sản đỏ” sống tách bạch xa dân, coi thường người lao động, làm ngơ trước cảnh oan khốc và nghèo nàn của người dân, không còn tín nhiệm với dân nữa, thậm chí nhân dân tỏ thái độ khinh ra mặt mà vẫn vênh vang tưởng mình còn oai lắm. Những người như thế, hoàn toàn không còn xứng với cái danh đảng viên nữa.
Tôi gửi thư trả lời anh H. rồi ngồi thừ ra một lúc. Mình cũng là đảng viên, 40 năm tuổi Đảng, cảm thấy cũng bị xúc phạm. Thực sự đó là điều buồn! Đau! Và cũng thất vọng, chán chường. Một chế độ xã hội vốn xưa nay được coi là “ưu việt”, là tốt đẹp, là “dân chủ gấp vạn lần dân chủ tư sản” mà nay lại đi đến thời ‘bĩ cực’ về đạo đức, lối sống bị suy thoái nghiêm trọng. Mà biểu hiện "bĩ" ấy lại rơi vào không ít cán bộ đảng viên có chức có quyền cao chức trọng trong xã hội.
Nghĩ về hai chữ thời “bĩ cực”, tôi nhớ một câu chuyện kể về kỷ niệm với Bác Hồ của nhà thơ Hằng Phương, sinh năm 1908, quê ở Quảng Nam. Bà là một trong những nhà thơ nữ đầu tiên của văn học hiện đại Việt Nam. Cuối năm 1945, bà Hằng Phương đã mang tới Phủ Chủ tịch một gói cam để biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do Chủ tịch nước bận tiếp khách nên bà đã gửi lại gói cam kèm theo một bài thơ. Tháng 1 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi một bài thơ ngắn cảm ơn:
Cảm ơn bà biếu gói cam
Nhận thì không đúng, từ làm sao đây
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai.
Bài thơ đã toát lên nhân cách vĩ đại của Bác. Người sống có trước, có sau. Nhận quà biếu của ai, dù nhỏ như gói cam, nhưng cũng không quên ơn người biếu, tặng. Một gói cam, vẫn không quên cảm ơn. Với nhà thơ thì Bác làm bài thơ cảm ơn, đối nhân xử thế đâu ra đấy.
Thế mà, nhiều cán bộ, đảng viên hiện nay học ở Bác được đức tính gì? Đã nhiều năm qua, rầm rộ tổ chức Học tập gương Bác sâu rộng và triền miên, hô hào nhiều năm, tốn tiền, mất thời gian, nay đã gặt hái được những gì? Ơn đức nhờ dân xây dựng Đảng, xây dựng nên chế độ XHCN mới có vị thế lãnh đạo, mới có chức có quyền, đứng trên thiên hạ. Ăn nhiều bổng lộc của dân, sử dụng tiền bạc, của cải do người dân làm ra, nhà ở, dinh thự, xe cộ đi lại cũng nhờ dân mới có, vậy mà đã biết ơn dân được bao nhiêu? Có khi ngược lại, càng ăn nhiều của dân càng coi thường dân. Sống vô thủy vô chung, vô hơn bội nghĩa không có trước có sau như vậy, sao lại mang danh đảng viên cộng sản? Cho nên, những thứ sâu mọt ấy đã gây hậu họa làm mất uy tín của một đảng cầm quyền.
Bài thơ được biết đến nhiều nhất của nữ sĩ Hằng Phương là bài “Lòng quê”, tặng người bạn đời Vũ Ngọc Phan với nỗi niềm:
... Đường xa ngoảnh lại ngẩn ngơ
Trông theo mây trắng thẫn thờ mắt xanh.
Câu chuyện của anh H. tuy ngắn gọn, chỉ một lời giới thiệu nửa như đùa, nửa như thật của người bạn, mà làm anh H. nặng lòng suy nghĩ. Rồi mấy dòng thư anh viết, làm tôi cũng thêm nặng nỗi niềm suy tư.
Trong bài thơ tặng nữ sĩ Hằng Phương, Bác viết: “Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai”. Cách mạng thành công rồi, hết gian nan phải tổ chức, vận động, xây dựng phong trào khởi nghĩa. Lúc đó, Đảng ta với số lượng chưa đủ một nghìn đảng viên mà đã lãnh đạo toàn dân làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, giành chính quyền, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, thế là đã qua thời khổ tận, bước sang thời cam lai.
Cổ xưa có câu: “Hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai”. Hiện nay, đúng là Đảng ta đang trong trạng huống gặp cơn bĩ cực. Bao giờ thái lai đây? Cái đó tùy thuộc vào sự kiên quyết, mạnh dạn của Đảng ta, thuộc về trách nhiệm xây dựng Đảng của từng Đảng viên, và nhất là Đảng ta có biết tin tưởng và dựa vào dân để làm cuộc chỉnh đốn có tính chất lịch sử này hay không? Sau Hội nghị Trung ương 6, cả nước mới bật ngửa ra rằng: Tình hinh fnhư thê snày còn ‘bĩ cực’ dài dài chưa biết đến bao giờ. TBT Nguyễn Phú Trọng noi svới cử tri quận Ba Đình là: “Hư hỏng, tham những nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có…”. Thế nhưng, cho đến hôm 1-12 mới rồi, cử tri phường Liễu Giai, quận Ba Đình còn phải chất vấn TBT- đại biểu QH Nguyễn Phú Trọng: “Bộ phận không nhỏ ở đâu? Là ai? Sao không chỉ ra được?”. Thế thì ‘thái lai’ sao được? Còn chịu cảnh ‘bĩ’ chán chê… Bởi vì, trong ‘bộ phận không nhỏ’ ấy tìm gần một năm rồi, nay vẫn còn là bài toán khó giải, vẫn là y nguyen ẩn số: X,Y,Z…
Trong tự nhiên, mọi vật đều tồn tại ở hai trạng thái đối lập nhau, đó là hai mặt Âm và Dương như nóng với lạnh, đen với trắng, ngày với đêm, hoạ với phúc. Âm suy thì Dương thịnh, đến cực điểm thì Dương lại suy và Âm lại mạnh lên. Liệu rằng sự vận hóa thịnh, suy đã đến cái ngưỡng "Cùng tắc biến, biến tắc thông" hay chưa? Nay cái xấu, cái ác đang thịnh, đang lấn lướt cái tốt, cái thiện. Ngay cả trong lĩnh vực cuộc sống, Hoạ là đầu mối của Phúc, Phúc lại ẩn chứa họa là như thế.
Nhưng cái họa tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, quan liêu, hách dịch, xa rời mục tiêu, phai nhạt lý tưởng trong Đảng hiện nay là cái họa cho nước, cho dân. Nhớ lại những năm thực sự vinh quang của Đảng, người dân nghe giới thiệu ông, hay bà kia là Đảng viên, mặt người dân như sáng lên, tỏ bày sự khâm phục, ngưỡng mộ, mừng lắm. Thế mà nay, như câu thơ của Hằng Phương trên đây: “Đường xa ngoảnh lại ngẩn ngơ”. Mà nghĩ lại, đúng là ngẩn ngơ thật. Từ chỗ Đảng ta được lòng dân như thế, có thể nói là uy tín đang bời bời như thế, nay lại có suy thoái nặng, như bỗng nhiên bị mất đi cái gì đó rất cao quý, thiêng liêng. Năm 1960, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, nhà thơ Tố Hữu viết: “Đảng ta muôn vạn công nông / Đảng ta muôn vạn tấm lòng, niềm tin...”. Nhưng nay, đọc lên những câu thơ ấy, mấy ai thấm được, mấy ai lắng đọng được như xưa, và không ít người bỗng cũng thấy buồn lòng, thấy rất là cám cảnh. Các cán bộ, đảng viên mất chất cộng sản đã tự phá vỡ niềm tin ấy trong lòng dân.
Thực trạng suy thoái trầm trọng của Đảng hiện nay đã khiến người ta sinh cái ý bình xét lại những câu thơ trong bài “Ba mươi năm đời ta có Đảng”. Ví dụ như: “Đảng ta con của phong trào”. Phong trào nào đẻ ra những 'thằng con' đó! Bao nhiêu năm buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng, lấy đảng làm một thứ 'nhiễu B52', trong đảng thì lừa nhau, tự sơn vẽ cho nhau, tô son trát phấn cho nhau, ra xã hội thì đủ trò mị dân; ai nói thẳng nói thật, chỉ hơi đụng đến thì quy tội "nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo, chống phá chế độ", bắt bớ, trù úm, quy kết phản động chỉ trong nháy mắt. Vì thế mà nay đã đến mức quan liêu, tham nhũng thành phong trào, rồi đẻ ra những “đứa con” đã vì suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống mà bị hư hỏng theo phong trào đó! Phong trào đến mức thành một thứ bệnh dịch, ung thư hết thuốc chữa, thành hệ thống lợi ích, không phải 'nhóm lợi ích' như cách gọi cũ nữa, thành đường dây từ dưới lên trên, thành bè phái có thế mạnh. Đến mức, TBT nGuyễn Phú Trọng cũng thấy ngán: "Kỷ luật mà không tính kỹ thì lại rối, mai kia là ân oán, thù oán, đối phó, thành phe phái, rối nội bộ” (!?) ...
Nhưng thôi, anh H. ạ, không bình phẩm sâu vào suy tư rối như mớ bòng bong này nữa, không khoét sâu vào nỗi đau của toàn Đảng, toàn dân, của đất nước, dân tộc nữa. Bài thơ tặng nữ sĩ Hằng Phương, chỉ ăn vị cam ngọt ngào, Bác Hồ đã viết: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Chí ít, nếu như còn chút lòng tự trọng, các cán bộ, đảng viên có chức trọng quyền cao hiện nay là phải biết nhờ ai mà có được chỗ đứng, cương vị ấy, nếu không phải là nhân dân? Sống phải có trước có sau. Và rất cần phải nhớ một điều đừng phản trắc, trở mặt đến mức ăn quả hại người trồng cây. Thậm chí đã hái hết quả ngọt của đời mà lại còn thẳng tay chặt phá cây.

Đừng quá tham lam, mặc kệ thiên hạ dị nghị, chửi rủa, phỉ nhổ mà cứ dấn lên ngày càng bồi dày tham vọng địa vị, quyền lực, vật chất, tiền tài mà sinh ra mất hết chất cộng sản, ô danh đảng viên cộng sản. Phải biết ơn, thực sự tôn trọng nhân dân. Khi đã bộc lộ sự suy thoái, yếu kém, tất yếu sớm muộn cũng bị trả giá và bị xã hội đào thải. Thấy hết thời thì phải biết tự lui. Cả mấy trăm nghìn tỉ đồng khui rỗng quốc khố mà chỉ ‘xin lỗi’ là qua hết mọi cửa ải! Và như vậy, trước hết những “ông quan cách mạng” quan liêu, tham nhũng mất hết chất cộng sản mà vẫn mang danh đảng viên phải tự xác định lại bản lĩnh, rà soát lại dũng khí, nhìn thẳng vào sự thật, tự sờ vào gáy mình để xem bản thân mình đã bị mất hết phẩm chất, trở thành vô lương tâm và đã bị mất hết lòng tự trọng hay chưa?
Trước hết, đảng viên phải là người đàng hoàng, như câu chuyện nhỏ mà anh H. đã gửi thư tâm sự với tôi: "...đảng viên nhưng là một người đàng hoàng lắm". Chỉ có một câu dọc qua EMail mà làm tôi cứ thấy trong lòng như có lửa đốt. Cái chữ “nhưng” trong trường hợp này gây đau nhói trong lòng. Các "ông quan cách mạng" hữu danh vô thực ơi! Các ông có thấy đau chút nào không? Hay chai lỳ hết rồi? Hãy tự xem mình mang cái danh ấy, ngồi ở cái ghế ấy có còn xứng đáng hay không? Hiện nay, tội nặng cỡ nào cũng coi như cảnh báo, cảnh tỉnh, giáo dục, răn đe” như TBT Nguyễn Phú Trọng phát biểu, coi như thê slà Hội nghị TW 6 “thành công tốt đẹp”. Không bị điều tra, không bị truy tố ra tòa, dân không đấu tố, nhưng nhục lắm đấy, đừng tưởng có quyền lực là hội đủ mọi quyền năng để yên lành được mãi được đâu. Điều nhục nhã nhất trong cuộc đời là bị người đời khinh thường. Và nhất là đừng trơ lỳ cái kiểu “lấy vinh làm nhục”, bất chấp mọi sự, chỉ biết có tiền, và chỉ tiền mà thôi!
Bùi Văn Bồng Blog



NHỮNG BÀI VIẾT MỚI NHẤT CỦA QLB & CÁC VỤ ÁN




HỒ SƠ BẮC Á& SỮA TH TRUE MILK HỒ SƠ LIÊN QUANMAFIA HỒ SƠ MASAN TECHCOMBANK HỒ SƠ VỀ NH PHƯƠNG NAM & TRẦM BÊ NGUYỄN ĐỨC KIÊN - EXIMBANK

No comments: