Blogger Widgets

Monday, November 19, 2012

TIẾN HÓA MA

Quanlambao

Ma là gì? Ma (hoặc tinh linh, hoặc trời…), thậm chí cả thần linh, tiên, phật,v,v… là những sự tồn tại ngoài cõi giới phàm trần, song song với cõi giới phàm trần (không gian 3 chiều) của con người. Có vô lượng, vô biên, muôn hình vạn trạng những sự tồn tại đó. Trừ những sự tồn tại đã đạt đến quả vị thường trụ (không sinh, không diệt – Bồ Tát, Phật), còn lại mỗi loài, mỗi cá thể tồn tại đó tùy theo nghiệp, duyên mà đều có đời sống, kiếp số, căn mệnh, trạng thái, bản chất, quyền năng… riêng của mình. Trong mỗi “loài” đó, thậm chí cũng có “xã hội”, có lề luật, có nhân quả, cũng chia ra đẳng cấp, thứ bậc… tựa như thể xã hội loài người. Những loài ma, loài trời… đó tràn ngập hư không, cùng khắp vũ trụ (cả vũ trụ 3 chiều, 4 chiều cho đến n chiều…). Ngoại trừ những bậc đã chứng được quả vị cực cao (từ A La Hán đến Bồ Tát, đến Phật), gọi là “Trí Chánh giác Thế gian”, những bậc này cũng cùng khắp hư không, còn lại tất cả các loài Ma (hoặc tinh linh, hoặc trời…) đó đều là “Khí Thế gian” hoặc “Chúng Sinh Thế gian”, cùng với con người, các loài sinh vật, đất đai và cỏ cây, sông núi…

“Trí Chánh giác” ở quả vị Phật hướng tới sự tiến hóa tột cùng, hộ trì cho sự tiến hóa tột cùng của tất cả mọi loại chúng sinh.
“Trí Chánh giác” ở quả vị Bồ Tát hướng tới sự tiến hóa, hộ trì cho sự tiến hóa của từng cá thể chúng sinh.
“Trí Chánh giác Thế gian” (Phật, Bồ Tát…) cùng khắp hư không, mọi lúc, mọi nơi không thể nghĩ bàn. Vì thế, không một việc gì mà Phật và chư vị Bồ Tát không biết, không một niệm nào mà Phật và chư vị Bồ Tát không nghe thấy, không một việc thiện nào mà Phật và chư vị Bồ Tát không nhiếp tâm hộ trì… Điều này cũng không thể nghĩ bàn.
Con người vì lục căn (1- nhãn, 2- nhĩ, 3- thiệt, 4- khứu, 5- thân, 6- ý) vô minh nên sinh ra ngũ ấm: 1- Sắc; 2- Thọ; 3- Tưởng; 4- Hành; 5- Thức. Vì ngũ ấm nên không có khả năng nhận biết (một cách trực tiếp, hiện tiền) những sự tồn tại ngoài cõi giới (ma quỷ, tinh linh, thần linh, tiên phật…) của mình.
Ngũ ấm tạo nên cái Thân Tinh thần (ngoài cái Thân Thể xác) của con người. Con người chỉ có thể thấy được cội gốc của một ngũ ấm nào đó khi dứt được nó, vượt qua được chính nó.

Ngoài cái Thân Tinh thần do ngũ ấm tạo nên này, trong mỗi mỗi con người hằng tồn tại một cái “thân” khác, đó là Thân Như lai (hay Chân Tâm, Thật Tướng…). Phải dứt hết ngũ ấm, mới có thể thấy được Thân Như lai. Thân Tinh thần chẳng qua chỉ là “đồ giả”. Thân Như lai mới chính là “đồ thiệt”. Con người (đặc biệt trong thời mạt pháp), ngày càng khó chứng được cái món “đồ thiệt” (Thân Như lai) ấy của chính mình.
Khó bởi (oái oăm thay), chính cái Thân Tinh thần (có thể gọi đó là tri thức phàm tục, khả năng nhận thức phàm tục…), cái món “đồ giả” ấy cũng ngày càng tinh tấn, cũng đạt được một số thành tựu, quyền năng nhất định. Nó cũng ngày càng mở rộng được một cách đáng kể năng lực của những căn trần (lục căn) của con người (khoa học ngày nay với vô vàn ứng dụng của nó là một ví dụ). Đây là nguyên nhân quyết định dẫn đến thời mạt pháp. Thân Tinh thần (tri thức phàm tục, khả năng phàm tục…) tinh tấn đến một lúc nào đó, nó sẽ khiến cho con người “chấp” sâu vào nó, thỏa mãn với nó, sùng bái nó, coi nó là siêu việt, là duy nhất, không hai (ngày càng ưa dùng đồ giả, chỉ dùng đồ giả) mà không biết, thậm chí không bao giờ biết nữa, rằng có sự tồn tại cái Thân Như lai (đồ thiệt) của chính mình. Một khi con người còn dùng đến cái Thân Tinh thần ấy thì sẽ không bao giờ khai mở được Thân Như lai.

Thân Như lai (hay Thật Tướng) vô cùng tinh diệu, có khả năng thông với mọi cõi giới, nhận biết rõ ràng, chân thực đối với mọi cõi giới, bất kể không gian lẫn thời gian. Thân Như lai thường trụ và có quyền năng vô lượng, vô biên không thể nghĩ bàn. Mọi sự mở rộng khả năng 6 giác quan con người của khoa học (nói cách khác, mọi thành tựu của Khoa học – Thân Tinh thần – giả tướng) như đã nói ở trên, dù cao đến bao nhiêu cũng không thể so sánh.

Khổng Tử, nhà tư tưởng gần như đồng thời với Đức Phật Thích Ca (thời Chánh pháp) có nói đại ý: “một lời nói thật phát ra có thể làm kinh động cả Trời, Đất, quỷ thần”. Ở trên kia, Đức Phật nói một người “ngộ đạo” (chứng được Thân Như lai – chứng được Thật Tướng) sẽ làm cho mọi cõi Ma rúng động, mọi cung điện của Ma vương sụp đổ. Tại sao như thế? Bởi “Ma”, suy cho đến cùng, nó là giả, nó tồn tại và hành sự trên cơ sở của những cái Giả. Tới một lúc nào đó, ở bất kì một nơi nào đó, nếu cái Thật được chứng tỏ thì cái Giả sẽ không còn lý do tồn tại. Đạo lý này đúng trong cả cuộc sống phàm tục của con người. Đạo lý này luôn hiện hữu ở mọi lúc, mọi nơi, chính trong xã hội loài người từ xưa tới nay. Vì thế, để bảo vệ cho sự tồn tại của mình, bảo vệ cho “cung điện” của mình khỏi sụp đổ, các loài ma luôn luôn theo dõi và tìm mọi cách cản trở bất kì một sự tiến hóa nào (về mặt đạo) của mỗi mỗi chúng sinh. Điều đó có nghĩa là: Thật Tướng luôn là nỗi khiếp sợ của mỗi chúng Ma. Ngăn không cho Thật Tướng hiển lộ là vấn đề sống còn đối với mỗi chúng Ma. Vì thế, con đường đi tới Sự Thật, đi tới quả vị tiến hóa tột cùng (chứng ngộ Thật Tướng) của con người là hết sức gian nan, khó có ai trong một kiếp sống của mình, có thể đi tới tận cùng.
Các hiện tướng ấm ma (ma xâm nhập vào ngũ ấm) mà con người vướng mắc phải ở cõi giới phàm trần này đều do ngũ ấm (1- Sắc; 2- Thọ; 3- Tưởng; 4- Hành; 5- Thức) và “dụng tâm của hành giả trong quá trình tu tập giao tranh với nhau mà gây ra” – (lời Đức Phật). Mỗi ấm có 10 loại hiện tướng nhập, theo thứ tự tăng dần (về mức độ nghiêm trọng), song song với sự thăng tiến về cảnh giới định lực và trí tuệ mà hành giả đạt được.

Trong đó ba loại ấm đầu tiên (Sắc; Thọ; Tưởng) sinh ra tổng cộng 30 loại tướng ma, có thể xem là những ma ngoại nhập (thiên ma, địa ma, ly, mỵ, võng, tượng… nhiều không kể xiết), từ những cảnh giới bên ngoài tới phá định lực, lung lạc trí tuệ của hành giả. Những Ma Sự nằm trong phần này chính là những nhân duyên phát sinh ra các loại thầy, bà, con nhang, đệ tử, bề trên, bề dưới, v,v… hoạt động khắp đó đây tự cổ chí kim, đặc biệt bùng phát trong thời mạt pháp này.
Ba mươi Ma Sự trong 3 loại ấm đầu tiên này xuất hiện không chỉ với những người tu tập Thiền Định, mà còn có thể xuất hiện với cả những người tu Tịnh Độ. Thậm chí sinh ra ngay cả ở những người hoàn toàn vô tình, chỉ vì vướng mắc hoặc có một nhân duyên đặc biệt nào đó.

Dứt được Sắc; Thọ; Tưởng rồi (vẫn còn Hành ấm và Thức ấm) thì các loài ma bên ngoài không còn quấy phá được nữa. Song từ đây (Hành ấm và Thức ấm) lại sinh ra những “Ma Sự” từ trong chính tâm của hành giả (gồm 20 loại cả thảy). Đây chính là những cảnh giới, những nhân duyên phát sinh ra các dòng tư tưởng, các trường phái, triết gia, ngoại đạo… mà nhân loại đã, đang và sẽ còn tiếp tục chứng kiến.

Hai cảnh giới cuối cùng (thứ 49 và 50), trước khi dứt hết ngũ ấm, nếu dừng lại chính là hàng Thanh Văn (Ma Sự thứ 49) và hàng Độc giác (Ma Sự thứ 50, gồm Duyên Giác, Bích chi). Sẽ mãi mãi dừng lại ở quả vị của Tiểu thừa nếu không phát tâm Vô thượng Bồ đề, cầu Chánh đẳng Chánh giác.

Hai mươi Ma Sự trong 2 loại ấm sau này (có lẽ?) chỉ xuất hiện với những người tu tập Thiền Định (hoặc tương đương).
Chúng Ma, ngoài việc cản trở và phá hoại con đường đi tới chứng ngộ Sự Thật của mỗi cá thể chúng sinh mà Đức Phật đã “vạch mặt chỉ tên” trong bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm, chúng còn có cả một “chương trình” kiên cố, trường kì để tiêu diệt toàn bộ đạo lý, tiêu diệt toàn bộ “Trí Chánh giác thế gian”, dần dần từng bước, thay vào đó sẽ là… “Trí Ma thế gian”. Điều này cũng đã được Đức Phật Thích Ca cảnh báo, đồng thời chỉ rõ trong kinh Pháp Diệt Tận.

Tóm lại: Con đường “ĐẠO” là con đường tiến hóa, con đường đi tới chân lý tuyệt đối (đạt tới kiến tánh phổ quát tột cùng – kiến tánh Như lai), con đường đi tới sự sáng suốt diệu minh, con đường khai mở cái tâm phật (khai mở Thân Như lai, Thật Tướng) vốn thường trụ trong mỗi mỗi con người. Song, một khi đã phát tâm đi trên con đường đó thì không được phép dừng lại dù ở bất cứ cảnh giới nào, trừ phi đạt tới quả vị của Bồ Tát đẳng giới.
Dừng lại là tự sát.

PHẠM LƯU VŨ




NHỮNG BÀI VIẾT MỚI NHẤT CỦA QLB & CÁC VỤ ÁN




HỒ SƠ BẮC Á& SỮA TH TRUE MILK HỒ SƠ LIÊN QUANMAFIA HỒ SƠ MASAN TECHCOMBANK HỒ SƠ VỀ NH PHƯƠNG NAM & TRẦM BÊ NGUYỄN ĐỨC KIÊN - EXIMBANK

No comments: